NGÀNH LUẬT KINH TẾ
CHUYÊN NGÀNH LUẬT ĐẦU TƯ – KINH DOANH
Khi nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cùng các quan hệ kinh thế thị trường phát triển nhanh, việc nắm rõ “bộ khung” pháp luật là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra lợi thế cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Hoạt động tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác của luật sư, chuyên viên pháp lý là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, đúng pháp luật, đồng thời hỗ trợ tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường dịch vụ, giải quyết việc làm. Sự tham gia tích cực của các chuyên viên pháp lý, luật sư trong các dự án đầu tư, các giao dịch kinh doanh, thương mại để tư vấn đường lối chính sách cho doanh nghiệp; giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Chương trình đào tạo đại học ngành Luật kinh tế, chuyên ngành Luật đầu tư – kinh doanh được xây dựng là một bước quan trọng để trường Đại học Tài chính - Marketing đóng góp cho xã hội lực lượng cử nhân chất lượng cao có đủ kiến thức và kỹ năng, sẽ trở thành những người tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp để thực hiện quá trình kinh doanh một cách hiệu quả và tránh được những rủi ro nhằm tham vấn, xử lý nhanh chóng các tranh chấp phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó, do các quy định pháp luật của Việt Nam rất đa dạng và thường xuyên được cập nhật nên rất cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn pháp luật.
Triết lý đào tạo
Triết lý đào tạo của ngành Luật kinh tế, chuyên ngành Luật đầu tư – kinh doanh: Đào tạo những cử nhân ngành Luật kinh tế có thể trở thành các nhà quản lý, các luật sư, trọng tài viên, chủ doanh nghiệp hoặc chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh và quản trị kinh doanh. Triết lý này được thể hiện cụ thể thông qua:
- Việc xây dựng chương trình đào tạo phải gắn với thực tiễn và yêu cầu của xã hội, kết hợp hài hòa và cân đối về số lượng môn học và thời lượng giữa lý thuyết với thực hành. Thường xuyên rà soát, đánh giá chương trình trên cơ sở khảo sát ý kiến phản hồi của giảng viên, chuyên gia, sinh viên, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, văn phòng luật sư và các đối tượng khác.
- Trong hoạt động giảng dạy: Áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại như: trực quan, phân tích và xử lý tình huống, khuyến khích tư duy phản biện; kết hợp hài hòa những giờ giảng lý thuyết với thực hành và thực tế thông qua việc giải quyết các tình huống pháp lý, tổ chức phiên tòa giả định, tham quan và khảo sát thực tế tại tòa án, viện kiểm sát, văn phòng luật sư, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước... Khuyến khích mời các chuyên gia đầu ngành tham gia nói chuyện chuyên đề, giảng dạy, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp.
- Trong nghiên cứu khoa học: Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng. Ưu tiên thực hiện các đề tài xuất phát từ nhu cầu thực tế đời sống pháp lý đặt ra nhằm để giải quyết một vấn đề pháp lý cụ thể, trên cơ sở đó đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật. Khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và địa phương, gắn nghiên cứu khoa học với ứng dụng.
Kiến thức
Với triết lý như trên, trường Đại học Tài chính – Marketing đào tạo cử nhân Luật kinh tế, chuyên ngành Luật đầu tư – kinh doanh có kiến thức cơ bản về hầu hết các luật, trong đó tập trung vào các luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư – kinh doanh
và kỹ năng chuyên sâu về pháp luật, thực tiễn pháp lý, pháp luật trong kinh doanh; khả năng nghiên cứu và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Kỹ năng
Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật kinh tế, Sinh viên cần phải có cho mình tối thiểu những kỹ năng sau: Kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh; Kỹ năng tư duy, sắp xếp, phân tích chuyên môn; Tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, Kỹ năng tranh tụng, kỹ năng tư vấn dân sự; kỹ năng đàm phán, soạn thảo các hợp đồng theo yêu cầu của Doanh nghiệp ...
Vị trí việc làm
Chương trình đào tạo ngành Luật kinh tế nhằm hướng người học sau khi tốt nghiệp có làm việc tại các cơ quan, tổ chức sau:
- Làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước: Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành luật kinh tế của trường Đại học Tài chính – Marketing có thể làm việc ở các vị trí là chuyên viên văn phòng, chuyên viên pháp chế, chuyên viên nhân sự tại các cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội.v.v…
- Làm việc tại các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án: Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành luật kinh tế của trường Đại học Tài chính – Marketing có thể làm việc ở các vị trí là Thư ký tại các cơ quan: Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án dân sự và đủ điều kiện về mặt chuyên môn để trở thành Thẩm phán, Kiểm sát viên và Chấp hành viên.
- Làm việc tại các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức phi chính phủ: Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành luật kinh tế của trường Đại học Tài chính – Marketing có thể làm việc ở các vị trí Pháp chế, nhân sự của các doanh nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia và các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
- Làm việc tại các tổ chức bổ trợ tư pháp: Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành luật kinh tế của trường Đại học Tài chính – Marketing có thể làm việc ở các vị trí chuyên viên của các văn phòng luật sư/công ty luật; các tổ chức thừa phát lại; Văn phòng công chứng; các tổ chức thẩm định giá.v.v… và đủ điều kiện về chuyên môn để trở thành Luật sư, Công Chứng viên, Trọng tài viên.v.v…
- Làm việc tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu: Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành luật kinh tế của trường Đại học Tài chính – Marketing có thể làm việc ở các vị trí chuyên viên, trợ giảng tại các cơ sở giảng dạy và nghiên cứu luật học.
Cơ hội nâng cao trình độ
Trong chương trình đào tạo cử nhân ngành luật kinh tế của trường Đại học Tài chính – Marketing, giúp cho sinh viên có được những kỹ năng tự nghiên cứu, tự cập nhật kiến thức để phục vụ cho công việc chuyên môn và học lên các bậc học cao hơn.
Lý do chọn ngành luật kinh tế
Nền kinh tế nước ta đang phát triển, cùng với sự ra đời không ngừng của các công ty, doanh nghiệp trong nước và tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Quá trình hội nhập quốc tế với những bước tiến mạnh mẽ; hơn lúc nào hết, hành lang pháp lý và các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế phải được quan tâm đảm bảo. Luật kinh tế theo đó trở thành ‘công cụ bảo hộ’ ưu việt, góp phần duy trì sự ổn định, an toàn và mang đến hiệu quả cao trong quá trình hoạt động của các đơn vị kinh doanh.
Việc nắm bắt và trang bị kiến thức về luật pháp trong và ngoài nước có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển của bất cứ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nào liên quan đến các hoạt động kinh tế.
Qua đó, sự nhạy bén và am tường kiến thức của các chuyên gia về Luật kinh tế sẽ góp phần đảm bảo quá trình vận hành bền vững cho doanh nghiệp, mở rộng sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế thuận lợi hơn. Ngành Luật kinh tế vì thế được xem là một ngành không thể thiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa.
